Cao nguyên núi đá Hà Giang không chỉ có cảnh vật hùng vĩ mê hoặc lòng người mà còn là thiên đường ẩm thực với những món ngon lạ và độc đáo.Cùng #Shop Thiên Phước khám phá các món ăn ở nơi đây nhé:
1.Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn truyền thống trong các bữa ăn của người Thái Đen. Đây là một món ăn vô cùng độc đáo mà bất kể du khách nào đến Hà Giang cũng nhớ mãi hương vị khi được thưởng thức một lần. Sau khi tẩm ướp xong, thịt trâu sẽ được mắc dây trên giàn bếp, hun khói từ củi cây rừng trong suốt hai tháng liền cho đến khi khối thịt ám khói đen và khô lại, thấm hết các gia vị đặc trưng. Món thịt trâu thơm ngon sẽ càng hấp dẫn, đậm đà hơn nếu bạn thưởng thức theo phong cách của đồng bào dân tộc miền núi, nhấm nháp cùng với bát rượu ngô cay nồng.
2.Thắng Cố
Một trong những món đặc sản không thể không kể đến ở Hà Giang là món thắng cố. Trong nồi thắng cố chủ yếu là xương, thịt gia súc cùng lục phủ ngũ tạng, chủ yếu là thịt ngựa, thịt bò. Thịt được cắt thành những miếng nhỏ, cho vào một chảo lớn được đun trên bếp củi thơm lừng.
Chảo thắng cố nghi ngút khói là hình ảnh không thể thiếu trong mỗi phiên chợ vùng cao. Đến khi chợ vãn là lúc mọi người cùng quây quần bên nhau thưởng thức món thắng cố cùng rượu ngô. Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, ớt quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm người giữa thời tiết lành lạnh ở Hà Giang.
3. Cháo Ấu Tẩu
“Chưa ăn cháo Ấu Tẩu thì chưa đến Hà Giang” – câu nói quả thực đã in hằn trong tâm trí mỗi người nên ai đến đây cũng phải thưởng thức hương vị món đặc sản này.
Cháo Ấu Tẩu được chế biến từ củ ấu tẩu ngâm trong nước gạo, sau đó ninh đến lúc bở rồi đem ra tán nhuyễn nấu cùng gạo tẻ, nếp cái, chân giò. Cháo có vị béo ngậy, bùi, hơi đắng và lạ miệng, có thể ăn cùng với rau thơm, măng chua hay thịt băm.
Món cháo ấu tẩu thường chỉ bán vào buổi tối, đến Hà Giang mà được thưởng thức món cháo ấu tẩu nóng hổi thì sẽ thấy người khỏe khoắn, tinh thần thoải mái lạ kỳ.
4.Rêu nướng
Rêu nướng được xem là món ăn lạ lùng ở Hà Giang. Món ăn vừa ngon, vừa bổ có vị rất riêng này là đặc sản không thể bỏ qua nếu bạn đến mảnh đất Hà Giang.
Ở suối tuy nhiều rêu nhưng rất ít rêu ngon và rêu ăn được. Rêu có thể chế biến thành các món rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món rêu nướng sau khi trộn các loại gia vị.
5. Mèn mén
Với người Mông ở Hà Giang thì mèn mén từ bao đời nay đã trở thành món đặc sản không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Người Mông quan niệm rằng: Con gái Mông thì phải biết thêu thùa, biết thương chồng con, chăm lo cho bố mẹ và đặc biệt phải biết nấu mèn mén.
Có thể hiểu mèn mén đơn giản là bột ngô tẻ được chế biến qua nhiều công đoạn rồi đem hấp chín. Muốn mèn mén ngon thì đồ là khâu quan trọng nhất. Người ta thường đồ lại hai lần để ngô chín kỹ và không bị dính vào nhau
6. Lạp sườn
Lạp sườn là món ăn không thể thiếu ở vùng cực Bắc Tổ quốc. Chế biến lạp sườn rất công phu, trước tiên đem lòng lợn non rửa sạch nhiều lần, lần cuối cùng là rửa bằng rượu sau đó phơi khô rồi thổi vào thành bong bóng để làm vỏ bọc bên ngoài.Nhân lạp sườn là loại thịt nửa nạc nửa mỡ, thường là thịt thăn, thịt vai hoặc thịt mông lợn. Thịt được bỏ bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, mì chính và không thể thiếu ít rượu trắng, nước gừng và một ít quả mắc mật xay nhỏ ướp cùng.
7. Rượu ngô
Hà Giang có món rượu ngô làm lưu luyến người đến, nao lòng người đi. Rượu ngô được nấu từ ngô do chính đồng bào dân tộc trồng, ngô được ủ với loại men lá truyền thống.Rượu ngô ở miền đá có vị cay cay, nóng nóng, ngọt thơm.Rượu ngô có độ cồn không cao, trung bình khoảng 25-30 độ nên người uống rượu sẽ không quá lo bị say hay mệt mà cảm thấy rất khoan khoái và ấm người.
8.Măng cuốn thịt
Món măng cuốn thịt được chế biến khá đơn giản, chỉ cần mớ rau răm, quả trứng, thịt ba chỉ và các loại gia vị như muối, bột ngọt… là đã có hương vị vô cùng quyến rũ. Phần nhân thịt được lựa chọn khá kỹ lưỡng, thường là thịt ba chỉ có cả nạc lẫn mỡ để tăng vị thơm ngon. Nhân thịt không để nhiều muối, như vậy măng sẽ đắng hơn, nhất là lúc chấm gia vị sẽ không còn thơm, và đúng chất đặc trưng của món ăn này. Măng cuốn thịt có vị béo ngọt của thịt, đăng đắng của măng, thơm thơm của rau răm. Nước chấm được nấu từ mẻ, cho khoảng vài thìa mẻ vào chảo rán thật vàng rồi cho nước vào đã có một bát nước chấm chua dịu và thơm lừng. Hương vị của măng cuốn thịt khiến du khách khó có thể cưỡng lại.
9.Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc từ lâu được biết đến là ẩm thực không thể bỏ qua khi đến Hà Giang. Nguyên liệu để làm xôi ngũ sắc gồm gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng thành 5 màu khác nhau. Màu đỏ của gấc hoặc lá cơm đỏ, màu xanh từ lá gừng, lá cơm xôi xanh hoặc vỏ bưởi, màu vàng của lá nghệ, màu tím lá cơm đen hoặc lá cây sau…Xôi ngũ sắc Hà Giang có vị thơm, dẻo, màu xôi đẹp tự nhiên và ý nghĩa vô cùng độc đáo. Với đồng bào dân tộc nơi đây, 5 màu sắc của xôi tạo thành một thể thống nhất, tượng trưng cho âm dương ngũ hành, cho tình đoàn kết của các dân tộc anh em.
10. Bánh Tam Giác Mạch
Chỉ riêng cái tên đã gợi bao háo hức. Ngắm Sủng Là, Lũng Cú… rạng rỡ trong mùa hoa, bạn đừng bỏ qua cơ hội được nếm cả một mùa tím hồng mê mải ấy. Bánh tam giác mạch được làm từ hạt, thứ mà ít người cất công lên tới Hà Giang để ý bởi mải say trong những cánh hoa muôn hồng nghìn tía.Bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.
11. Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam được làm chín bằng cách cho vào ống tre, ống nứa rồi nướng chín trên than, củi. Đồng bào các dân tộc thường làm món này để mang theo khi đi làm nương rẫy, vừa thuận tiện vừa dễ bảo quản.Công đoạn làm cơm lam Bắc Mê đơn giản và cũng không tốn kém. Nguyên liệu là loại gạo nếp ngon được trồng trên nương, ngâm kỹ trong nước. Việc lựa chọn gạo là yếu tố quan trọng nhất vì chúng quyết định phần lớn độ ngon và mùi thơm của cơm lam. Gạo nếp ngâm, vo sạch rồi trộn đều cùng với một chút muối.
12. Cam sành Bắc Quang
Đã từ lâu, cam sành trở thành một đặc sản nức tiếng mỗi khi người đi xa về gần nhắc đến đất Bắc Quang, thứ đến mới là chè. Có được điều đó là bởi vùng đất này có những điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không giống với bất cứ vùng đất nào để tạo nên những trái cam mang hương vị riêng biệt, vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn của miền núi rừng phía nam của tỉnh Hà Giang.
13. Chè San Tuyết
Giữa núi rừng, ngồi ở bậc cửa nhà người đồng bào thưởng trà Shan tuyết là mong muốn trải nghiệm của rất nhiều người. Người ta bảo pha trà Shan tuyết phải dùng nước nguồn trên núi chảy về thì mới cho ra đúng vị đậm đà của loài cây quý. Chén trà mới pha bốc khói nghi ngút giữ ấm lòng người bằng hương thơm thanh và màu tươi ngon. Nhấp môi sẽ thấy chè chan chát nhẹ nhưng lại ngọt hậu nồng nàn.
14. Lợn cắp nách
Lợn cắp nách có thể chế biến tùy theo sở thích của mỗi người. Với thịt lợn này có thể dùng nướng, hấp, kho tùy sở thích, có thể dùng xương để ninh thành món canh ngon. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặt hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, lá chanh gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt.
Hãy gọi cho chúng tôi để có thể thưởng thức được vị ngon núi rừng nguyên bản nhất của núi rừng Đông – Tây Bắc bạn nhé!
Hotline: 0981939802/0946569359/0913682066.