Nhiều người thường nghĩ, tam giác mạch chỉ là một loài hoa thu hút khách du lịch tới Hà Giang để chụp ảnh, ngắm cảnh. Thế nhưng, ít ai biết rằng, tam giác mạch cũng có thể trở thành một nguyên liệu để làm ra món bánh đặc sản của vùng đất này.
Cứ sau mỗi mùa hoa, người dân ở đây lại thu hoạch hạt tam giác mạch để phơi khô và xay nhỏ thành bột làm bánh. Loại hạt này rất nhỏ, chỉ bằng một nửa hạt đỗ đen nhưng lại chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Và vì được trồng trong môi trường tự nhiên nên tam giác mạch ở Hà Giang không bị tác động bởi hóa chất độc hại.
Lên các chợ phiên ở Hà Giang, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều phụ nữ dân tộc trong trang phục váy xòe hoa ngồi bên bếp than nóng hổi cùng những chồng bánh nhiều màu, trong đó màu vàng là bánh bột ngô, màu trắng là bánh ngô nếp, còn màu tím nhạt với những chấm tím sậm nổi lên chính là bánh tam giác mạch.
Để làm được chiếc bánh tam giác mạch thơm ngon như vậy thì cũng phải tốn khá nhiều công đoạn thực hiện. Đầu tiên, hạt tam giác mạch khi mới hái về phải đem phơi khô đủ độ rồi mang đi xay bằng tay. Khi xay cũng phải thật cẩn thận, tỉ mỉ cho đến khi hạt tam giác mạch mịn đều ra thì bánh nướng lên mới không bị lợn cợn. Tiếp đó là nhào bột với nước rồi đúc thành những miếng bánh tròn dẹt, có đường kính hơn một gang tay. Sau khi đem hấp chín, bánh sẽ được nướng trên than hồng cho nóng và thơm hơn.
Giá cho một chiếc bánh tam giác mạch ở Hà Giang dao động từ 10k – 15k/chiếc. Khi thưởng thức chiếc bánh này, bạn xé nhỏ bánh ra sẽ thấy rõ vị hăng đặc trưng của tam giác mạch lẫn trong vị bùi béo, mềm xốp.
Chính nhờ sự độc đáo và cầu kỳ từ cái tên đến cách làm ra chiếc bánh này mà du khách lên Hà Giang thường mua những gói bánh tam giác mạch dẻo hoặc bánh tam giác mạch giòn về để làm quà cho người thân. Ngoài bánh tam giác mạch thì ở Hà Giang còn có nhiều loại bánh nổi tiếng khác như bánh ba kích, bánh khẩu mang, bánh cốm nếp hái giòn, bánh cốm nếp hái dẻo…